TRÀO LƯU CÀ PHÊ Ở VIỆT NAM TẬP 1

 

Cà phê có mặt tại Việt Nam chỉ hơn một thế kỷ, nhưng có lẽ không đất nước nào trên thế giới có nhiều quán cà phê như ở đây. Quán cà phê có mặt ở khắp nơi, đa dạng phong cách, thiết kế sáng tạo, phong phú thức uống cà phê,… Cà phê được uống mọi lúc: vui, buồn, thành công, thất bại,…mọi đối tượng đều có thể đến quán cà phê: nam, phụ, lão và ấu.

Cà phê như một dạng thức để gặp gỡ, đáp ứng nhu cầu giao lưu, chia sẽ tình cảm, trí tuệ, thông tin, nó gắn liền với sinh hoạt tri thức, là thức uống hợp pháp thay thế cho rượu. Đây cũng là một thức uống giúp người ta lắng đọng tâm hồn, có những khoảng lặng, nhìn lại chính mình. Quán cà phê là nơi lý tưởng để trao đổi tâm tư tình cảm, xóa tan mọi ranh giới của giai cấp, giới tính, địa vị và tuổi tác. Cà phê Việt Nam được định hình thành các trào lưu cà phê Việt Nam.

Trào Lưu thứ nhất
Năm 1857, cây cà phê được những Nhà truyền giáo Phương Tây (Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp, Hà Lan…) trồng thử nghiệm rải rác tại một số giáo xứ miền cao phía Bắc là Phủ Quỳ, tỉnh Nghệ An. Năm 1884, sau khi chiếm đóng và đặt sự bảo hộ khắp Việt Nam, thực dân Pháp bắt đầu thành lập các đồn điền tại Tây Nguyên và Lâm Đồng để trồng thử nghiệm cà phê.         

Chiếc phin cà phê được phát minh bởi một người Mỹ tên Benjamin thomson vào năm 1806. Đến năm 1812 được cải tiến bởi De Belloy.Tricolette là chiếc phin cà phê hoàn thiện, được giới thiệu tại hội chợ thương mại về cà phê, tại New York vào năm 1921. Chiếc phin pha cà phê cũng được người Pháp mang đến Việt Nam.

Chiếc phin cà phê hiện nay đơn giản và tiện dụng hơn so với nguyên mẫu, nhưng nguyên tắc, cách sử dụng cũng chẳng thay đổi so với chiếc phin của năm 1921.

Niềm Nam Việt Nam sau hơn 80 năm trở thành thuộc địa của Pháp (1862-1949), chịu ảnh hưởng sâu bởi văn hóa và lối sống phương Tây hơn so với miền Trung và miền Bắc, lối sống Âu hóa thẩm thấu dần, bắt đầu từ thành thị đến nông thôn, từ người tri thức, nghệ sỹ đến những tầng lớp bình dân, người ta bắt đầu biết đến điện, sữa, bơ, pho mát, bia, rượu vang và đặc biêt là văn hóa thưởng thức cà phê. Chính những công chức, những người phục vụ cho bộ máy cai trị của thực dân Pháp, binh lính Pháp,…là những người thưởng thức và truyền bá văn hóa thưởng thức cà phê.

Nhà văn Sơn Nam đã từng đề cập trong tác phẩm của mình về những quán cà phê đầu tiên tại Sài Gòn, năm 1864, đó là quán Lyonnoals (trên đường La Grandiere, ngày nay là đường Lý Tự Trọng) và quán Café De Paris (trên đường Catinat, ngày nay là đường Đồng Khởi).

Bị ảnh hưởng bởi văn hóa Pháp, quán cà phê trở thành không gian cộng đồng, đây là nơi giới trí thức, văn nghệ sỹ, doanh nhân, tầng lớp trung lưu và thượng lưu tập trung, không chỉ thưởng thức ly cà phê mà để kết giao và bàn luận tin tức thời sự, kinh doanh và cả những toan tính chính trị.

Bên phin cà phê, từng giọt cà phê nâu đen, đều đặn thả rơi sóng sánh xuống đáy ly, như kéo lùi mọi người tạm dừng và sống chậm trong đôi phút, tránh xa sự bon chen, bộn bề và lo toan của đời thực, hư ảo và loạn ly bên ngoài.

Quán cà phê với chiếc máy hát đĩa hoặc chiếc máy cassette, phổ biến với những dòng nhạc vàng, nhạc phản chiến, những tình khúc bất hủ của Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Phạm Duy,… trầm lắng, bi hài, chia ly, mất mát, tuyệt vọng về cuộc chiến, về quá khứ, hiện tại và tương lai.

Những năm 1960, Sài Gòn cũng không có nhiều quán cà phê, công chức thường mua cà phê bột tại những tiệm tạp hóa, chọn cà phê hạt đã rang, yêu cầu xay tại chỗ. Cà phê với hương thơm tự nhiên, nguyên chất và ngon. Họ thường sử dụng để pha tại nhà và thưởng thức trong những buổi điểm tâm sáng.

Một trong những quán cà phê mở cửa từ năm 1969, đó là cà phê Chiêu, của Bà Nguyễn Tuyết Mai, vẫn còn hoạt động cho đến ngày nay, chẳng đổi thay nhiều, vẫn không gian xưa, vẫn cung cách phục vụ và người chủ quán xưa. Nhiều khách hàng tìm đến quán để tìm lại ký ức và kỷ niệm, dường như đã khá xa nhưng thật gần, được lắng nghe tiếng thì thầm của dòng thời gian, tâm hồn lắng đọng và bình yên.

Khác với giới công chức và người giàu có, những người lao động bình dân ưa thích la cà nơi quán cà phê đầu hẻm và góc phố, ồn ào náo nhiệt trong không gian và âm thanh vui nhộn của chợ và đường phố. Họ cũng được thưởng thức thứ nước uống màu nâu, thơm nhẹ đặc trưng và quyến rũ, gọi là cà phê. Nhưng chẳng phải trong những quán cà phê như Chiêu, hay Café De Paris,… mà tại những gánh hàng rong, xe hủ tiếu mì của những Hoa Kiều dọc trên các tuyến phố, những ngã tư đường hay trong những khu chợ. Họ thưởng thức cà phê như một thứ nước giải khát nhanh chóng, vội vàng, sau khi đã ăn sáng để tỉnh táo cho một ngày lao động mới. Thứ cà phê mà họ thưởng thức không phải được pha bằng phin, chúng được lọc bằng vợt vải, và hâm nóng trong những bình sành, đặt trên lửa than nhỏ, đảm bảo cà phê luôn nóng, nhiều người hay gọi đó là cà phê “Kho”.

Bạn sẽ khó có thể hình dung ra cách thưởng thức cà phê của người lao động bình dân trước đây, nếu bạn không tận mắt chứng kiến cách pha cà phê bằng vợt và thưởng thức ly cà phê “Kho” hay cũng gọi là cà phê “Vớ”. Quán cà phê của ông Lưu Nhâm Thanh, một Hoa Kiều đã ngoài 70 tuổi, tọa lạc cạnh chợ Thiếc, có lẽ là một trong những quán cà phê xưa còn tồn tại với cách pha cà phê bằng vợt, giống hệt như cách đây đây hơn 40 năm.

Trong không gian vằn vện, loang ố, ám khói và hằn dấu thười gian. Ngồi trong quán thưởng thức ly cà phê “Kho”, ký ức về thời khó khăn, chật vật, thiếu thốn của đất nước, hiện hữu và đối lập hoàn toàn với sự hiện đại, sung túc và náo nhiệt bên ngoài khung cửa quán.

Ông Thanh kể, sau giải phóng, cà phê vợt khá phổ biến, mọi con đường, mọi góc phố đều phục vụ cà phê vợt. Vợt cà phê khá dễ làm, một miếng vải, một cọng kẽm là có thể pha cà phê được tách cà phê. Thời bao cấp khó khăn, cà phê đã hiếm, chiếc phin nhôm còn khó kiếm hơn. Thế nhưng, khi cuộc sống đã trở nên dễ chịu hơn, hàng hóa dồi dào phong phú hơn, phin nhôm không thiếu, nhưng Ông vẫn duy trì pha cà phê bằng vợt, vì khách của quán đã quá quen với gu cà phê vợt rồi.

Một số tài liệu lịch sử và tạp chí ghi nhận, cà phê xuất hiện tại Hà Nội muộn hơn Sài Gòn. Năm 1883, theo gót giày xâm lược của Thực dân Pháp, quán cà phê đầu tiên xuất hiện tại Hà Nội. Đây là thời điểm người Hà Nội bắt đầu làm quen với cà phê.

Trước 1975, Hà Nội không có cà phê đá cũng chẳng có trà đá như Sài Gòn. Cũng rất hiếm khi bắt gặp phụ nữ la cà nơi quán cà phê. Sau đó, Hà Nội cũng xuất hiện những quán mậu dịch, phục vụ cà phê đen và nâu (cà phê sữa). Các quán cà phê: Đinh, Lâm, Giảng, Nhĩ, Hùng,… ra đời, họ tự rang xay và phối trộn cà phê, tạo thành một thứ nước uống đặc trưng và một gu thưởng thức cà phê khác biệt, một số quán còn tồn tại đến ngày nay.

Miền Nam, những năm trước giải phóng 1975, khắp các thành phố lớn, thị trấn và thị xã, quán cà phê xuất hiện nhiều, từ những quán cóc vỉa hè cho những người lao động và những bình dân, đến những quán cà phê sang trọng tại các thành phố lớn, không gian thông thoáng và rộng lớn, thiết kế và sắp đặt theo tiêu chuẩn và phong cách phương Tây, giành cho sĩ quan, công chức người Pháp, khiến họ vơi đi nỗi nhung nhớ quê nhà.

Những người khác tập trung, bàn luận chuyện chính sự, thời cuộc, chia ly, di tản,… hỗn tạp, mờ mịt, hoang mang trước vận mệnh đất nước, số phận của mỗi cá nhân và gia đình trước cuộc chiến khốc liệt.

Đoán đọc trào lưu cà phê ở Việt Nam tập 2
 


Ngày đăng: 22/07/2018 | 3379 (Lượt xem)

Các tin khác