CÂU CHUYỆN STARBUCKS Ở ÚC: THẤT BẠI TRONG CUỘC CHIẾN GIÀNH TÂM TRÍ KHÁCH HÀNG

Vào khoảng 12 năm trước, Starbucks cắt giảm 2/3 cửa hàng ở Úc, đằng sau câu chuyện này là gì mà khiến “tên khổng lồ" như Starbucks đã ngậm ngùi nếm trải thất bại như vậy. Cùng theo dõi bài viết này nhé! 

Theo thống kê từ Statista - cổng thông tin thống kê của Đức, đến năm 2018, Starbucks đã vượt 28.000 tổng số cửa hàng với tại 76 thị trường trên thế giới. 

1. “Dục tốc bất đạt” - Bài học xương máu của Starbucks tại Úc 

Khi Starbucks mở cửa hàng đầu tiên tại Sydney, Úc vào tháng 07 năm 2000. Starbucks đã quá nôn nóng và nhanh chóng mở hàng loạt cửa hàng ở đây thay vì thăm dò thị trường. Tính đến 2008, Starbucks có đến 87 cửa hàng trên toàn nước Úc. 

​Và trong 7 năm đầu tiên ở Úc, Starbucks báo lỗ đến hơn 105 triệu đô la Mỹ. Năm 2007, Starbucks buộc phải vay hơn 54 triệu đô từ những ngân hàng Mỹ và đến 2008, Starbucks buộc đóng cửa 61 cửa hàng tại Úc.

Điều này đến từ đâu? Theo Thomas O'Connor - một chuyên gia phân tích thị trường nổi tiếng của của Gartner Inc, Starbucks đã không cho những người tiêu dùng ở Úc có thời gian và cơ hội để cảm nhận và yêu thích khẩu vị cafe của người Mỹ. 

"Họ tiến hành quá nhanh, không cho người tiêu dùng thời gian để làm quen với hương vị của Starbucks. Họ cũng mở nhiều cửa hàng ở các vùng ngoại ô vắng vẻ, và điều này khiến người Úc cảm thấy Starbucks quá đại trà, thay vì một thứ gì đó khác biệt khiến họ phải khao khát." - Ông Thomas O'Connor chia sẻ.

2. Sự khác biệt quá lớn về văn hóa

Chẳng phải do Starbucks không ngon, mà vì người Úc có rất nhiều lựa chọn khi nói đến cafe. Thậm chí, Úc là thị trường tiêu thụ cà phê bậc nhất thế giới và người Úc xem cafe không chỉ là một thức uống đơn thuần mà đó còn là một trải nghiệm với câu nói nổi tiếng “đi cafe không chỉ là thưởng thức cafe mà còn là để kết bạn”. 

Ngược lại, Starbucks lúc bấy giờ chỉ bán cafe tại Úc như một sản phẩm hàng hóa, không quan tâm đến hành vi, thói quen và tâm lý của khách hàng. Đặc biệt, menu của Starbucks quá khác biệt so với văn hóa của người Úc, chỉ bao gồm những cafe cơ bản, đồ uống nhiều đường hơn những thức uống quen thuộc và khẩu vị của người Úc. 

Bên cạnh đó, còn có một lý do nữa chính là giá tiền, mức giá của Starbucks cao hơn so với những cửa hàng cafe truyền thống ở tại nước Úc lúc bấy giờ. Chính vì vậy, người Úc càng ngại thử Starbucks thay vì những cửa hàng quen thuộc của họ. 


3. Chịu tác động từ đại suy thoái 

Starbucks đóng cửa 2/3 cửa hàng ở Úc vào 2008, đây cũng là thời gian mà thế giới đang trải qua cuộc Đại suy thoái. 

Có thể Starbucks có đủ tiềm lực tài chính để duy trì các cửa hàng, nhưng sức mua của người mua đang bị ảnh hưởng từ suy thoái, do đó, họ càng không muốn chi tiền cho thương hiệu mới như Starbucks. 

4. Có những thương hiệu Mỹ vẫn “sinh tồn” được tại Úc 

Starbucks đã thất bại khi mở rộng thị trường tại Úc, điều đó không có nghĩa là tất cả các thương hiệu cafe nào từ Mỹ đến Úc cũng sẽ sụp đổ như vậy. Điển hình như Gloria Jean's - thương hiệu cafe từ Chicago đã “đặt chân" đến Úc từ 1996 và thành công vượt trội nhờ được 2 người Úc nhượng quyền kinh doanh. Với sự am hiểu tâm lý và hành vi mua hàng của người địa phương, thương hiệu này có hơn 400 cửa hàng và được người Úc chấp thuận với hơn 35 triệu lượt khách mỗi năm, điều mà Starbucks không làm được. Theo đó, menu đồ uống của Gloria Jean's đã tập trung vào những loại espresso và những đồ uống đặc biệt của hãng. Còn Starbucks lại không hề thay đổi theo khẩu vị riêng của người Úc, có lẽ đó thất bại chính là điều mà họ phải trả giá. 

Kinh doanh thành công là những bài học và kinh nghiệm xương máu của bất kỳ ông chủ nào. Bởi vậy, khi cần xâm nhập vào thị trường mới hay mở rộng kinh doanh dù lớn hay nhỏ, bạn cũng cần chuẩn bị trước những điều cơ bản để “mở lối” cho mình thật thành công. Sau bài học của Starbucks, ta càng thấy được rằng, điều quan trọng hàng đầu trong kinh doanh không thể thiếu chính là thấu hiểu TÂM TRÍ KHÁCH HÀNG.


 


Ngày đăng: 28/07/2020 | 6241 (Lượt xem)

Các tin khác