Nhượng quyền thương hiệu thay đổi sau Covid-19

Thông tin này được ghi nhận tại hội thảo “Khởi nghiệp với mô hình nhượng quyền thương mại” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) tổ chức vào ngày 22-1.

Hội thảo nhằm giúp các doanh nghiệp trong nước có được những kiến thức về nhượng quyền thương mại, cơ sở pháp lý đối với nhượng quyền thương mại hiện nay ở Việt Nam, chia sẻ về một số mô hình nhượng quyền và kinh nghiệm quản lý để qua đó nắm bắt được cơ hội phát triển hoạt động kinh doanh và mở rộng thị trường.

Nhượng quyền thương mại được tìm thấy trong hầu hết các lĩnh vực ngành nghề trong đó ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) thường chiếm số lượng lớn.

Trước Covid-19 ở Việt Nam đã có các thương hiệu nhượng quyền lâu năm và rất thành công, như Trung Nguyen Coffee, cà phê Napoli, Pho 24, T&T, Cafe Bobby Brewers, Kinh Do Bakery, Wrap and Roll, Café Cong, AQ Silk, Shop and Go, Highland’s Coffee…

Đáng chú ý, cà phê Napoli (Công ty Napoli) đã nhượng quyền hơn 3.000 cửa hàng ở cả trong và ngoài nước, xuất khẩu sản phẩm cà phê đi nhiều nước trên thế giới.

Tuy nhiên tại hội thảo, theo đánh giá của bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch HĐQT Công ty Retail & Franchise Asia, thành viên sáng lập và điều hành Công ty World Franchise Associates, thời kỳ hậu Covid-19, hoạt động nhượng quyền có thể phát triển mạnh mẽ ở các mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ, O2O (Online – to – Ofline), DevOps (mô hình làm việc kết hợp giữa kỹ sư phát triển phần mềm với bộ phận kỹ sư hệ thống, nhân viên bảo mật, kỹ sư mạng, kỹ sư hạ tầng... nhằm mục đích rút ngắn vòng đời phát triển sản phẩm), mô hình linh hoạt hay những mô hình có mức đầu tư thấp và hoàn vốn nhanh.

Theo bà Vân, trong tương lai, nên lựa chọn đầu tư vào những ngành phục vụ nhu cầu cơ bản; những mô hình linh hoạt; đa dạng kênh doanh thu; đầu tư vừa phải và thu hồi vốn nhanh; ứng dụng nền tảng quản trị số vào hoạt động kinh doanh; đẩy mạnh đầu tư mô hình phát triển bền vững.

"Thời kỳ hậu Covid-19, câu chuyện là nhượng quyền phải rất khác. Doanh nghiệp phải hết sức linh hoạt và biết ứng phó tốt để thích ứng với thị trường thay đổi quá nhanh”, bà Vân chia sẻ.

Bên cạnh đó, để có một mô hình nhượng quyền bền vững, doanh nghiệp phải quan tâm tới 5 yếu tố bao gồm: thương hiệu và mô hình, nền tảng vận hành, nhân sự và đào tạo, hệ thống và chuỗi cung ứng, nền tảng công nghệ.

Chia sẻ về kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp và nhượng quyền thương mại tại Việt Nam, ông Lê Đăng Khoa, Chủ tịch Le Group Ventures cho biết, doanh nghiệp luôn phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt trên thương trường cũng như những biến cố bất ngờ, chẳng hạn như đại dịch Covid-19 vừa qua.

Do đó, theo ông Khoa, doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, luôn chủ động và linh hoạt tìm kiếm các giải pháp, dịch chuyển mô hình kinh doanh, đa dạng hóa kênh doanh thu nhằm phân tán và hạn chế rủi ro, nắm bắt cơ hội và nhanh chóng xoay chuyển tình thế trong mọi tình huống. Và nhượng quyền thương mại hiện cũng đang nổi lên là mô hình có khả năng phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng mạnh mẽ thời kỳ hậu Covid-19.

Trong khi đó, luật sư Trần Thị Hương, sáng lập và điều hành Công ty Tư vấn Đầu tư và Sở hữu trí tuệ Rachel, chia sẻ tới cộng đồng doanh nghiệp một số lưu ý khi soạn thảo và đàm phán hợp đồng nhượng quyền. Theo đó, cần hiểu được rằng bản chất của hợp đồng nhượng quyền là hợp đồng cho thuê.

Ngoài ra, người tham gia kinh doanh nhượng quyền cần lưu ý đến ngôn ngữ của hợp đồng; các điều khoản đảm bảo chất lượng; kênh truyền thông sản phẩm, dịch vụ; nguồn nguyên liệu thay thế; điều khoản chuyển tiếp về quyền; gia hạn hợp đồng; quy định về hạn chế kinh doanh; các điều khoản bảo mật thông tin; quyền sở hữu trí tuệ (bao gồm quyền sở hữu trí tuệ chưa được xác lập và quyền sở hữu trí tuệ thay đổi)…


Ngày đăng: 25/01/2021 | 1011 (Lượt xem)

Các tin khác