Trào Lưu Cà Phê Ơ Việt nam Tập 2

Trào lưu thứ 2

Ngày 30/04/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất. Tuy nhiên, Việt Nam phải đối mặt với vô vàn khó khăn về chính trị, an ninh, quốc phòng, thiếu thốn lương thực thực phẩm, thuốc chữa bệnh,… cà phê trở thành xa xỉ phẩm, đắt giá và quý hiếm.

Sau cuộc chiến, những đồn điền cà phê hoang tàn và bị bỏ phế không được chăm sóc, dẫn đến sự thiếu hụt lượng cung cà phê trầm trọng.
Trong khi đó, nhu cầu một loại thức uống giải khát, một loại thức uống làm phương tiện, chất xúc tác kết nối, để tụ tập, một duyên cớ, một giao thức để sẻ chia, cảm thông, đùm bọc,… trước sự độc lập tự do mới lạ, hay hoang mang, chia ly, mất mát sau cuộc chiến,… đó chỉ có thể là cà phê, nhưng tìm đâu một số lượng cà phê đáp ứng cho nhu cầu to lớn thế.

Những nhà sản xuất cà phê, với sự “sáng tạo” và  “nhanh nhạy” đã tận dụng những loại ngũ cốc có sẵn: bắp, đậu nành,… rang cháy và tạo nên tách cà phê đen đậm và sánh kẹo. Vị đậm đà và hòa quyện của cà phê được tạo thành từ chút nước mắm, chút muối và một ít mỡ gà. Cau khô được xay nhuyễn và trộn lẫn trong cà phê tạo nên vị chát trong ly cà phê.

Thời kỳ này, nhiều gia đình tận dụng những mặt bằng có sẵn, mở quán buôn bán, xoay sở chi phí và tiền chợ trong mỗi gia đình hàng ngày.

Quán cà phê tự phát, đơn giản và mọi thứ sẵn có, được trưng dụng triệt để. Quán xá nhỏ bé và lụp xụp với bàn cây và ghế gỗ nhỏ thấp, bếp lò than củi, trong mái hiên nhà hoặc mỗi góc phố, trước cửa trường học, cổng chợ, đầu ngõ hay cuối phố, cũng là nơi thân quen lui tới của biết bao khách hàng.

Cà phê được pha chủ yếu bằng vợt. Khách hàng là quân nhân chế đồ cũ, sinh viên, công chức, người buôn bán và dân lao động,… chưa quen cuộc sống mới. Không phân biệt giai cấp, trình độ, mọi người dường như cũng quay trở về vạch xuất phát, trò chuyện bên tách cà phê. Giai đoạn này, cà phê vỉa hè xuất hiện nhiều như nấm mọc sau mưa, cà phê được bán khá rẻ, vì chẳng phải tốn tiền mặt bằng.

Kinh tế thị trường phát triển nhanh chóng, nhu cầu về loại cà phê rẻ mà chẳng cần “ngon và bổ” càng tăng cao, cùng với việc chạy đua với lợi nhuận. Chẳng bận tâm đến sức khỏe người tiêu dùng cũng như đạo đức nghề nghiệp, những cơ sở sản xuất cà phê đã thay thế và trộn lẫn vào tách cà phê nhiều thành phẩm: hương liệu, hóa chất và phụ gia thực phẩm,… Thậm chí, họ còn tẩm trộn những hóa chất công nghiệp rẻ tiền và độc hại: hóa chất tạo mùi cà phê, tạo bọt của bột giặt, tạo độ sánh, chất ký ninh tạo vị đắng, đậu nành và bắp rang cháy khét tạo màu đen đậm.

Trải qua thời gian dài, người tiêu dùng thường xuyên thưởng thức tách cà phê hóa chất, bị mặc định dẫn đến nhầm lẫn về ly cà phê ngon đúng nghĩa. Nhiều người vỗ ngực tự hào về khả năng thẩm định chất lượng cà phê, cùng thâm niên uống cà phê lâu năm chắc chắn rằng: ly cà phê ngon và hảo hạng là đen đậm, đắng gắt, thơm dai dẳng, sánh sệt, bọt nhiều và bám bền nơi thành ly. Tất cả chỉ là giả tạo và ảo tưởng, đó chỉ là cà phê hóa chất hoặc cà phê độc hại.
 


Ngày đăng: 26/07/2018 | 2331 (Lượt xem)

Các tin khác