VỊ THẾ CỦA CÀ PHÊ VIỆT TRÊN THỊ TRƯỜNG THẾ GIỚI

Sau những chuỗi ngày dài xuất khẩu cà phê sụt giảm mạnh, các doanh nghiệp cà phê Việt đang quay lại tìm kiếm cơ hội đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường nội địa để có thể vượt qua cơn khủng hoảng suốt 3 năm trở lại đây.

1. Những biến động của thị trường cà phê trên thế giới
Theo Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), sản lượng cà phê trên thế giới theo niên vụ 2018-2019 ước tính tăng lên gần 4% so với niên vụ trước (2017-2018). Trong đó, sản lượng niên vụ cà phê của Nam Mỹ tăng 5%, Châu Á tăng 4%, Châu Đại Dương tăng 4% và Châu Phi tăng 3%. Bên cạnh đó, cũng theo báo cáo từ ICO, lượng cà phê xuất khẩu của thế giới vào tháng 8/2019 tăng lên 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Hầu hết lượng cà phê được tiêu thụ tập trung nhiều nhất ở các nước như: Mỹ, Đức, Nga,...

2. Tình hình xuất khẩu cà phê Việt Nam năm 2019 
Bên cạnh đó, do chịu ảnh hưởng của thời tiết trong vụ mùa 2018-2019, ICO dự báo sản lượng cà phê Việt Nam giảm 1,3% (3 triệu bao). Theo Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản Việt Nam, xuất khẩu cà phê tháng 8 ước đạt 109 nghìn tấn với giá trị đạt 184 triệu USD. Theo đó, đưa khối lượng xuất khẩu cà phê 8 tháng đầu năm đạt 1,17 triệu tấn tương đương gần 2 tỷ USD, giảm 11,8% về khối lượng và giảm 21,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.

Xuất khẩu cà phê rang xay (biểu đồ tím) và cà phê hòa tan (màu vàng) tại các nước

Trong 7 tháng đầu năm 2019, Đức và Mỹ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam với thị phần lần lượt là 13,7% và 9%. Ngoại trừ hai thị trường Philippines và Malaysia có giá trị xuất khẩu cà phê tăng (tăng 22,1% và 3,7%), hầu hết thị trường chính đều giảm so với cùng kỳ năm 2018. Giá cà phê xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm 2019 đạt 1.708 USD/tấn, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm 2018.

Lượng cà phê Việt Nam xuất khẩu được tiêu thụ tại Đức, Mỹ và các nước khác trong 7 tháng đầu năm 2019

3. Vị thế cà phê Việt trên thị trường thế giới năm 2019
Theo ICO, Việt Nam nằm trong top 5 nước xuất khẩu cà phê rang xay lớn nhất thế giới bên cạnh Mexico, Colombia, Brazil và Cộng hoà Dominicana. 5 nước này chiếm 92,7% tổng lượng cà phê rang xay trên toàn thế giới trong 10 tháng đầu niên vụ 2018-2019. Bên cạnh đó, Việt Nam còn là nước có lượng xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, từ vài tháng nay, cà phê robusta từ Brazil được nhập khẩu ồ ạt vào châu Âu. Đây là một hiện tượng bất thường và rất có thể Brazil sẽ sớm soán ngôi vị quốc gia xuất khẩu cà phê robusta lớn nhất thế giới mà Việt Nam đang nắm giữ. Theo báo Tiếng vang của Pháp, dòng cà phê robusta conilon có giá rẻ hơn nhiều trên thị trường thế giới so với cà phê robusta của Việt Nam và dòng cà phê robusta của Brazil đang ngày càng thu hút sự quan tâm của khách hàng.

Việt Nam - nhà sản xuất cà phê hàng đầu thế giới
Theo dự đoán, Việt Nam xuất khẩu niên vụ cà phê 2018/2019 vừa kết thúc giảm hơn 10% so với niên vụ cà phê trước đó. Dự báo, giá cà phê sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới theo xu hướng của cà phê thế giới và đồng thời nguồn cung cà phê của Việt Nam được dự báo giảm mạnh do người trồng giảm đầu tư cho cây cà phê và chuyển sang trồng cây trồng xen và cây trồng khác.

Cụ thể, xuất khẩu cà phê từ đầu năm 2019 đến nay ước đạt 1,46 triệu tấn và 2,52 tỷ USD, giảm 15,2% về khối lượng và giảm 22,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, giá cà phê Việt Nam xuất khẩu bình quân 10 tháng đầu năm 2019 đạt 1.723 USD/tấn, giảm 9% so với cùng kỳ năm 2018.

Bảng 2: Chủng loại cà phê Việt Nam xuất khẩu trong tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2019
(Đơn vị: Cục Xuất nhập khẩu)


Ngành cà phê Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức lớn do biến động giá cả và cán cân cung - cầu. Hiện giá cà phê đã giảm sâu tới 40% so với thời điểm năm 2010, khiến nông dân trồng cà phê gặp khó khăn và có xu hướng giảm diện tích trồng, giảm đầu tư cho cây cà phê dẫn đến năng suất, chất lượng cà phê bị ảnh hưởng. Về lâu dài, các doanh nghiệp Việt Nam cần đa dạng sản phẩm chế biến để xuất khẩu vào nhiều thị trường trên thế giới, cũng như tiêu thụ trong nước.

 


Ngày đăng: 19/12/2019 | 9735 (Lượt xem)

Các tin khác